1. Thông cáo báo chí kết quả sơ bộ Tổng điều tra

Thông cáo báo

20/12/2019 3:56:28 PM | 25769

BAN CHỈ ĐẠO TỔNG ĐIỀU TRA

DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở TRUNG ƯƠNG

 

 
 
 

            

   CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                 Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 
 
 

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2019

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

KẾT QUẢ SƠ BỘ

TỔNG ĐIỀU TRA DÂN SỐ VÀ NHÀ Ở NĂM 2019

Ngày 26/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định
số 772/QĐ-TTg về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đây là cuộc Tổng điều tra dân số lần thứ 5 tại Việt Nam. Mục đích của Tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phục vụ đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Thông tin từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và giám sát các Mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Được thực hiện trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (viết gọn là Tổng điều tra năm 2019) là cuộc Tổng điều tra đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các công đoạn, đặc biệt là công đoạn thu thập thông tin tại địa bàn với hình thức thu thập thông tin chủ yếu điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động, chiếm 99,9% các hộ dân cư. Thời gian tiến hành điều tra từ ngày 01/4/2019 đến ngày 25/4/2019. Sau hơn hai tháng kết thúc triển khai thu thập thông tin tại địa bàn, đến nay công tác xử lý và làm sạch số liệu đã hoàn thành, sớm hơn so với cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 khoảng một năm. Sau đây là một số chỉ tiêu chính về kết quả sơ bộ của cuộc Tổng điều tra năm 2019:

1. Tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 là 96.208.984 người, trong đó dân số nam là 47.881.061 người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48.327.923 người (chiếm 50,2%). Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau In-đô-nê-xi-a và Phi-li-pin). So với năm 2009, vị trí xếp hạng về quy mô dân số của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á không thay đổi và giảm hai bậc so với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Sau 10 năm, kể từ năm 2009 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số bình quân năm giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 10 năm trước (1,18%/năm).

Tỷ số giới tính là 99,1 nam/100 nữ, trong đó khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,5 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính tăng liên tục trong những năm qua nhưng luôn thấp hơn 100 trên phạm vi toàn quốc.

2. Kết quả Tổng điều tra 2019 cũng cho thấy Việt Nam là quốc gia có mật độ dân số cao so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Năm 2019, mật độ dân số của Việt Nam là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009. thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương có mật độ dân số cao nhất cả nước, tương ứng là 2.398 người/km2 và 4.363 người/km2.

3. Phân bố dân cư giữa các vùng kinh tế - xã hội có sự khác biệt đáng kể, vùng Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của cả nước với 22,5 triệu người, chiếm gần 23,4%; tiếp đến là vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung với 20,2 triệu người, chiếm 21,0%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với tổng dân số là 5,8 triệu người, chiếm 6,1% dân số cả nước.

4. Trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã tác động làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Từ năm 2009 đến nay, tỷ trọng dân số khu vực thành thị tăng 4,8 điểm phần trăm.

5. Toàn quốc có 82.085.729 người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và 14.123.255 người dân tộc khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước. Địa bàn sinh sống chủ yếu của nhóm dân tộc khác là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên. Tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nhóm dân tộc khác chiếm 56,2%; con số này ở vùng Tây Nguyên là 37,7%; ở vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 10,3%; ở các vùng khác, tỷ lệ này chiếm không quá 8%.

 6. Trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%. Trong đó, dân số đang có vợ/chồng chiếm 69,2%; dân số có tình trạng “ly hôn” hoặc “ly thân” chiếm 2,1%; dân số góa vợ/chồng chiếm 6,2%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa từng kết hôn ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 6,7 điểm phần trăm, tương ứng là 26,8% và 20,1%. Nữ giới có xu hướng kết hôn sớm và phổ biến hơn nam: Tỷ lệ dân số nam từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn thấp hơn so với nữ, tương ứng là 73,4% và 81,5%.

7. Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.

Tỷ lệ đi học chung của bậc tiểu học là 101,0%, bậc THCS là 92,8%, bậc THPT là 72,3%. Ở cấp tiểu học, không có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn về tỷ lệ đi học chung (100,9% so với 101,0%). Cấp học càng cao thì khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ đi học chung giữa thành thị và nông thôn càng lớn, cụ thể: ở cấp THCS, tỷ lệ đi học chung của khu vực thành thị cao hơn tỷ lệ đi học chung của khu vực nông thôn là 3,4 điểm phần trăm; mức chênh lệch này ở cấp THPT là 13,0 điểm phần trăm.

Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ nam giới biết đọc biết viết đạt 97,0%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở nữ giới. Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết đọc biết viết của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể. Năm 1999, tỷ lệ biết đọc biết viết của nam là 93,9%, cao hơn tỷ lệ này của nữ 7,0 điểm phần trăm; đến năm 2019, tỷ lệ đọc biết viết của nam đạt 97,0%, cao hơn tỷ lệ của nữ 2,4 điểm phầm trăm.

8. Tính đến thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 cả nước có 26.870.079 hộ dân cư, tăng 4,4 triệu hộ so với thời điểm 0 giờ ngày 01/4/ 2009. Tỷ lệ tăng số hộ  bình quân năm là 1,8%/năm trong giai đoạn 2009 - 2019, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với giai đoạn 1999 - 2009. Đây là giai đoạn có tỷ lệ tăng quy mô hộ thấp nhất trong vòng 40 năm qua.

Bình quân mỗi hộ dân cư có 3,5 người, thấp hơn 0,3 người/hộ so với năm 2009. Tại khu vực thành thị, trung bình mỗi hộ dân có 3,3 người/hộ, thấp hơn khu vực nông thôn 0,3 người/hộ. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số người bình quân một hộ cao nhất cả nước (3,8 người/hộ); vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có số người bình quân một hộ thấp nhất cả nước (3,3 người/hộ).

 9. Trong tổng số 26,9 triệu hộ dân cư, vẫn còn 4.800 hộ không có nhà ở; trung bình cứ 10.000 hộ dân cư thì có khoảng 1,8 hộ không có nhà ở. Tình trạng hộ không có nhà ở đang dần được cải thiện trong hai thập kỷ qua, từ mức 6,7 hộ/10.000 hộ vào năm 1999 xuống còn 4,7 hộ/10.000 hộ năm 2009 và đến nay là 1,8 hộ/10.000 hộ.

Hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Trong vòng 20 năm qua, kể từ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999, tỷ lệ hộ sống trong nhà ở kiên cố và bán kiên cố đã tăng mạnh từ 63,2% năm 1999, lên 84,2% năm 2009 và đạt 93,1% vào năm 2019.

Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước. Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9 m2/người và 22,7m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế - xã hội. 

Kết quả sơ bộ Tổng điều tra năm 2019 cho thấy, trải qua 10 năm, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí đã được cải thiện, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết tăng mạnh; hầu hết trẻ em trong độ tuổi đi học phổ thông đang được đến trường, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường giảm mạnh trong thập kỷ qua. Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực tăng cường bình đẳng giới bao gồm cả trong lĩnh vực giáo dục trong nhiều năm qua. Điều kiện nhà ở của các hộ dân cư đã được cải thiện rõ rệt đặc biệt ở khu vực thành thị. Hầu hết các hộ dân cư đều có nhà ở và chủ yếu sống trong các loại nhà kiên cố và bán kiên cố; diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, sát với mục tiêu Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 30/11/2011.

Kết quả thể hiện ở số liệu của Tổng điều tra năm 2019 cho thấy nỗ lực và hiệu quả của nhiều chính sách trong thời gian qua đã được thực hiện tốt. Thành quả này có được là nhờ những Chủ trương, đường lối chính sách và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ trong nhiều năm qua; nhờ sự tin tưởng và những nỗ lực không ngừng của mỗi người dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

 


Bài viết cùng chuyên mục